Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

* Thân thương hình ảnh tàu điện Hà Nội xưa

 ( by :cosyvietnam.forumvi.com )
Thân thương hình ảnh tàu điện Hà Nội xưa
Gợi nhớ về những gì của xưa cũ, của một thuở đã qua, cảm giác bao giờ cũng thật trong trẻo và bình yên. 

Ngoài những lúc ồn ào và vội vã ra thì Hà Nội có những khi thật là dịu dàng, thật là đáng yêu. Như trong bức hình này này:


Chắc hẳn các bạn đều đã nhận ra đó là những hình ảnh tàu điện Hà Nội xưa. Mình sinh ra thì tàu điện đã không còn nữa. Chỉ nghe Cụ nội mình kể hồi xưa Cụ toàn gánh rau, rồi bắt tàu điện, đi tới các chợ bán thôi. Và biết tàu điện qua bài hát Nhớ về Hà Nội - ca sĩ Hồng Nhung hát - mà hồi còn nhỏ, sáng sớm nào mình cũng nghe nhạc hiệu trên cái ti vi cổ lỗ sĩ của Ông nội. Hôm nay, ngắm lại những hình ảnh này trên báo Đất Việt, cảm giác thật là... khó tả!

Một số hình ảnh về tàu điện ở Hà Nội, được các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước thực hiện trong các thời kỳ khác nhau:

Hình ảnh tàu điện Hà Nội trong buu thiếp đầu thế kỷ 20.

Tàu điện chạy trong phố cổ thời Pháp thuộc.

Tàu điện vẫn hoạt động trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, ảnh chụp năm 1972.

Tàu điện rẽ vào tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, năm 1985.

Tàu
điện trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, với bùng binh mà ngày nay
là đài phun nước bờ hồ và nhà điều hành xe điện là tòa nhà "Hàm cá mập".

Tàu điện trên phố Hàng Giấy, 1989.

Tàu điện trước cửa chợ Đồng Xuân, năm 1989.

Tàu điện tại bến bờ hồ Hoàn Kiếm. Có thể thấy nhà hàng Thủy Tạ ở phía xa.

Tàu điện trên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn gần tháp Hòa Phong bên bờ hồ Hoàn Kiếm.

"Bám đuôi" tàu điện là một cảnh tượng rất quen thuộc.

Tàu điện đi vào bến bờ hồ Hoàn Kiếm, ngày nay đã trở thành bến xe buýt.

Tàu điện "len lỏi" giữa dòng người chật cứng trước chọ Đồng Xuân.

Tàu điện trên phố Đồng Xuân, chạy về phía bốt Hàng Đậu.

Tàu điện trên tuyến phố Thụy Khuê, chạy về chợ Bưởi.

Nhảy tàu điện khi tàu đang chạy là cả một "nghệ thuật".

Một chuyến tàu điện bị quá tải, năm 1973.

Đeo bám tàu điện và rong ruổi phố phường là thú vui đơn sơ của trẻ em Hà Nội.


Còn đây là một số thông tin về tàu điện Hà Nội xưa nhé!

Các tuyến tàu điện ở Hà Nội đã có khoảng thời gian tồn tại gần một thế kỷ, từ khi chạy thử nghiệm vào tháng 9/1900 cho đến khi ngừng hoạt động vào đầu thập kỷ 1990. Đóng vai trò quan trọng trong đời sống, hình ảnh chiếc tàu điện đã đi vào tâm thức của nhiều người dân Hà Nội như biểu tượng rất đặc trưng của cả một thời kỳ.

Trên diễn đàn daumaytoaxe.com, thành viên nick SecondComing nhớ lại: “Mình gắn bó với cái tàu điện từ ngày còn bé tý, nhớ hồi học lớp 2 đã có lần tự đi tàu điện từ Bờ Hồ về chợ Bưởi. Đến khi học cấp 3 ở trường Chu Văn An, mình đã là khách quen thuộc của tuyến Bưởi - Bờ Hồ. Chuyện nhảy tàu ngày bé giờ nghĩ lại thấy sao mà hồi đó mình liều thế".
"Trước cổng trường cấp 3 Chu Văn An không hề có bến đỗ, tàu chạy qua khu vực
đó sẽ chạy chậm lại vì hành trình đang là men theo rìa đường tàu di chuyển ra giữa đường, học sinh lúc đó nhảy rào rào xuống như ong vỡ tổ, chả năm nào là không có tai nạn, chả tháng nào là không có học sinh xây xước chân tay, bản thân mình cũng không ít lần rách quần, xước đầu gối vì nhảy tàu điện. Thời học sinh thì hầu như chả bao giờ mình mua vé, toàn đi nhờ hoặc trốn vé…”.

Đó cũng là lý do mà ngày xưa các bản kiểm điểm của học sinh hay phải có câu: "không hút thuốc lá, không nhảy tàu điện..., theo lời của thành viên Nguyễn Thu Hiền. “Nhảy xuống đường trong khi tàu điện đang chạy là cả một nghệ thuật”, thành viên Thống Nhất cho hay.

Trong tâm trí trẻ em Hà Nội xưa, chiếc tàu điện mở ra cả một thế giới đầy niềm vui. Đối với thành viên Thuhanoi (diễn đàn Người Hà Nội), cái thế giới ấy được bắt đầu từ ga xe điện Bờ Hồ trên đường Đinh Tiên Hoàng. Thành viên này chia sẻ: “Cái ga xe điện này đối với tuổi thơ của mình gắn nhiều kỉ niệm lắm. Đầu tiên là xuống ga để đi ăn kem 'bốn mùa' trứ danh của Hà Nội. Những thú vui không kể xiết là xuống ga xe điện rất gần với rạp chiếu phim Nhi Đồng... Đi bộ một tí là đến Cầu Thê Húc để vào Đền Ngọc Sơn... Đi bộ một chút nữa là đến Cung văn hóa thiếu nhi... cửa hàng Bách Hóa Tràng Tiền ... Tha hồ vui chơi trong ngày Chủ nhật”.

Các tuyến tàu điện ở Hà Nội đã tồn tại ngót nghét một thế kỷ. Sự hiện diện của loại hình phương tiện này được bắt đầu vào ngày 13/9/1900, khi Nhà máy xe điện của Pháp tiến hành chạy thử tuyến đường Bờ Hồ - Thuỵ Khuê nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Trong những thập niên sau đó, các tuyến tàu điện liên tục được mở rộng. Từ ga Trung tâm ở bờ hồ Hoàn Kiếm, các tuyến đường toả ra 6 ngả: Yên Phụ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, chợ Mơ và Vọng, cũng là 6 cửa ngõ nối nông thôn với nội thành.

Trong những ngày khói lửa của cuộc Toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946, các toa tàu điện đã được những người lính vệ quốc biến thành chướng ngại vật rất hiệu quả nhằm ngăn chặn bước tiến các đoàn xe cơ giới của thực dân Pháp trên đường phố Hà Nội. Sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, chính quyền cách mạng tiếp quản Nhà máy tàu điện. Tàu điện trở thành phương tiện cộng cộng rất quan trọng, phục vụ nhân dân rất đắc lực trong nhiều thập niên tiếp theo, từ thời kỳ sơ tán chống Mỹ cho đến khi hòa bình lập tại trên toàn đất nước...

Đến đầu thập kỷ 1990, các tuyến xe điện lần lượt ngừng hoạt động. Nhưng tiếng chuông leng keng của tàu điện đã đi vào tâm thức của nhiều người dân Hà Nội, trở thành biểu tượng rất đặc trưng của cả một thời kỳ. Còn bây giờ, mời các bạn nghe lại bài hát [Only admins are allowed to see this link] để lắng "tiếng leng keng tàu sớm khuya, hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy".

T01-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này